Nhiều quy định mới về quảng cáo xuyên biên giới hay người có tầm ảnh hưởng (Influencer, KOL…) chuyển tải sản phẩm quảng cáo được đưa vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Luật Quảng cáo.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Đáng chú ý, dự án Luật này có nhiều điểm mới quy định về quảng cáo xuyên biên giới và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.
Theo đó, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định.
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Luật này và các quy định như: thông báo với cơ quan có thẩm quyền những nội dung về tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có); đầu mối liên hệ bao gồm tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có).
Hình thức và thời gian thông báo là 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi thông báo trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử đến Bộ TT&TT.
Khi nhận thông báo, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm gửi giấy xác nhận bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, doanh nghiệp trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.
Quy định cũng nêu rõ, các đơn vị cung cấp quảng cáo xuyên biên giới không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật tại Việt Nam, đồng thời phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền
Về quá trình quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, khi phát hiện nội dung quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi thông báo đến Bộ TT&TT để yêu cầu xử lý.
Sau khi tiếp nhận bằng chứng quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật, trong thời hạn 5 ngày, Bộ TT&TT rà soát, kiểm tra nội dung vi phạm và gửi yêu cầu xử lý bằng văn bản hoặc phương tiện điện tử cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Thông tin về các quảng cáo vi phạm được gửi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để xử lý sẽ được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT.
Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ TT&TT, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu. Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ TT&TT sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.
Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các quảng cáo vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ T&TT.
Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải có 500.000 người theo dõi
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cũng đưa ra quy định hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.
Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng (Influencer) theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên.
Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo yêu cầu như: tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo; phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện; chỉ đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Theo VietnamNet