Khi hãng Loan Depot Inc niêm yết trên sàn chứng khoán New York vào đầu năm nay, cả giới truyền thông bắt đầu đổ dồn về vị tỷ phú người Mỹ gốc Á Anthony Hsieh.
Đối với vị tỷ phú 56 tuổi này, việc trở thành tỷ phú trong ngành kinh doanh tín dụng đầy cạnh tranh là một thành công lớn, nhất là khi gia đình ông thuộc dạng nhập cư vào Mỹ.
Theo hãng tin Bloomberg, tổng tài sản của tỷ phú Hsieh hiện vào khoảng 2 tỷ USD và là một trong những doanh nhân người Mỹ gốc Á hiếm hoi tự xây dựng nên sự nghiệp tỷ USD từ bàn tay trắng.
Quyết chí làm giàu vì… bị cướp
Ý chí nung nấu làm giàu của Hsieh bắt đầu từ một vụ cướp cách đây 42 năm trong buổi chiều chủ nhật, khi một tên cướp đột nhập vào cửa hàng bán rượu của gia đình ông tại California, dí súng lên đầu cậu bé Hsieh mới chỉ 14 tuổi để đòi số tiền trong két thanh toán.
Sự kiện kinh khủng này đã khiến Hsieh sợ hãi tột độ nhưng cũng dạy cho cậu bé bài học đầu đời về sự bất công trong xã hội cũng như những khó khăn nếu muốn vươn lên làm giàu trên đất Mỹ.
“Tôi đã được trường đời dạy cho bài học về cách tự bảo vệ bản thân cũng như ý chí sinh tồn trong cuộc sống. Tôi sẽ không đổi bất cứ thứ gì cho những bài học đáng giá này”, tỷ phú Hsieh, người đã phải chịu 2 vụ cướp nữa khi làm thu ngân cho cửa hàng của gia đình, thú nhận.
Vốn là một gia đình nhập cư từ Trung Quốc đầu thập niên 1970, cha mẹ của Hsieh đã từ bỏ cuộc sống thoải mái với mong muốn những người con có được một nền giáo dục tốt tại Mỹ. Cha của Hsieh đã phải đi làm đầu bếp cho nhà hàng trước khi tiết kiệm đủ tiền để mở một cửa hàng bán rượu.
Vì cha mẹ Hsieh không nói được tiếng Anh nên cậu bé phải chịu trách nhiệm phiên dịch cũng như tham gia mọi quyết định tài chính quan trọng của gia đình từ khi còn bé, từ việc mua xe cho đến vay những khoản tín dụng để kinh doanh.
“Tôi đã ý thức được trách nhiệm bảo vệ gia đình từ năm 8 tuổi. Tôi trở thành người tư vấn cũng như phiên dịch cho cả nhà”, tỷ phú Hsieh nhớ lại.
Chính vì phải giúp đỡ gia đình từ bé cũng như trải qua các biến cố cuộc đời mà Hsieh trưởng thành rất sớm. Cuộc sống nhập cư khó khăn cùng tính tự lập đã giúp ông có được sự kiên cường khi phải đối đầu với những ông lớn ngành tài chính trên thị trường tín dụng.
Thành công nhờ… không nghe lời bố mẹ
Không giống như nhiều tỷ phú mảng công nghệ xuất thân từ những ngôi trường danh giá và làm việc ở thung lũng Silicon, ông Hsieh chỉ tốt nghiệp một trường rất bình thường do gia đình nhập cư của ông chẳng có nhiều tiền. Bản thân tỷ phú Hsieh hoàn toàn là ở một tầng lớp khác so với giới tri thức tinh anh của nước Mỹ, được đào tạo và có kiến thức chuyên sâu về công nghệ.
Thậm chí, ông chủ của hãng cho vay trực tuyến này ban đầu còn chẳng biết mình sẽ giàu có nhờ mảng tài chính. Cha mẹ của Hsieh cũng như bao gia đình gốc Á khác muốn con mình theo ngành bác sĩ, có y đức và thu nhập cao, ổn định. Thế nhưng thật không may Hsieh lại sợ máu nên gia đình đã khuyên cậu nên theo học nha khoa.
Trớ trêu thay, Hsieh chẳng nghe lời bố mẹ mà lại đi theo ý kiến của bạn bè, theo học quản trị kinh doanh và xin vào làm một công ty cho vay nhỏ. Sau 4 năm làm việc, Hsieh nhận ra tiềm năng của mảng tín dụng còn rất lớn nên ông đã thương thảo để mua lại cả công ty. Sau khi thành công trở thành ông chủ, Hsieh bắt đầu cải tổ lại bộ máy với hàng loạt ứng dụng công nghệ, thay những chiếc máy fax và gõ chữ lỗi thời để tấn công vào mảng tín dụng trực tuyến.
“Tôi cảm thấy mình có thể làm tốt hơn nữa. Khi đó bản thân tôi còn chẳng rõ mình có kỹ năng gì giỏi ngoài sự tự tin, ý chí làm giàu và sự chăm chỉ”, tỷ phú Hsieh nhớ lại.
Kể từ đây, Hsieh nổi lên như là một trong những doanh nhân khởi nghiệp thành đạt của cộng đồng nhập cư trong làng tín dụng đầy cạnh tranh. Sau khi bán công ty đầu của mình cho tập đoàn E*Trade Financial Corp vào năm 2001, ông Hsieh có đủ vốn để thành lập tiếp nên HomeLoanCenter, nền tảng tín dụng trực tuyến đầu tiên cho mảng bất động sản thế chấp tại Mỹ. Đến năm 2004, tỷ phú Hsieh tiếp tục bán lại công ty đang hoạt động tốt với 400 nhân viên này cho LendingTree với số tiền không được tiết lộ.
Không dừng lại ở đó, dự án khởi nghiệp mới nhất của Hsieh là LoanDepot cũng kinh doanh vô cùng có lãi vào năm 2020 khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất để kích thích kinh tế, khiến nhiều người đổ xô đi vay vốn mua nhà thế chấp.
Theo Bloomberg, LoanDepot là nền tảng tín dụng trực tuyến có tốc độ tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất trên thị trường bất động sản Mỹ. Với hơn 100 tỷ USD các khoản vay thế chấp, LoanDepot đứng thứ 7 trong số các nhà môi giới tín dụng thế chấp bất động sản Mỹ năm 2020 và đứng thứ 2 trong mảng này ở lĩnh vực trực tuyến.
Với giá bất động sản đang nóng lên hàng ngày tại Mỹ, những ngành kinh doanh có liên quan như LoanDepot sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp đại dịch Covid-19.
Không chịu ngủ quên trên thành công, hiện tỷ phú Hsieh đang nhắm đến giới trẻ, những người rành công nghệ, muốn làm giàu và sẵn sàng chấp nhận các khoản vay trực tuyến.
“Giới trẻ có thể rất rành về công nghệ nhưng họ chưa chắc đã hiểu biết nhiều về tài chính”, tỷ phú Hsieh nhận định.